GIỚI THIỆU SÁCH
CUỐN” BÁC HỒ VỚI PHỤ NỮ VÀ THIẾU NHI”
Câu chuyện kể về tình yêu thương Bác Hồ dành cho phụ nữ và các em thiếu niên nhi đồng. Qua đó càng khẳng định tình cảm sắc son của biết bao thế hệ người Việt Nam đối với Lãnh tụ kính yêu của toàn dân tộc.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm và cảm thông, dành tình cảm yêu thương, quý mến chị em phụ nữ và các cháu thiếu nhi. Từ bà cụ bán hoa ngày Tết, đến nữ phóng viên, các nữ chiến sĩ miền Nam, vợ của các cán bộ, chiến sĩ, các em thiếu niên nhi đồng trong nước và quốc tế… Bác đều dành sự quan tâm, ưu ái, ân cần. Bác đã dành tặng phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang”. Trong di chúc, Bác thể hiện tình cảm đối với thiếu niên nhi đồng: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”.
Những mẩu chuyện về đạo đức, phong cách của Bác Hồ luôn để lại ấn tượng sâu sắc đối với mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, trong đó phải nhắc đến những câu chuyện về tình cảm yêu thương của Bác đối với phụ nữ và thiếu nhi. Quyển sách “Bác Hồ với phụ nữ và thiếu nhi” do nhà văn Nguyệt Tú biên soạn, sách dày 200 trang, in trên khổ 21 cm, được Nhà xuất bản Phụ nữ phát hành, là tập hợp nhiều câu chuyện ngắn xúc động về sự quan tâm, ưu ái đặc biệt của Bác Hồ dành cho phụ nữ và thiếu nhi. Đặc biệt hơn, quyển sách có phần dịch sang tiếng Anh của nữ nhà văn Lady Borton. Đây là nữ nhà văn Mỹ đã gắn bó với Việt Nam trên 20 năm. Bà là người Mỹ duy nhất từng sống ở cả miền Bắc và miền Nam Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Bà ngưỡng mộ Bác Hồ và yêu chuộng hòa bình, do đó đã viết nhiều tác phẩm về Bác. Bà viết: “Tôi thường đề nghị bạn bè đã từng biết Bác Hồ kể cho nghe những mẩu chuyện để tôi được hiểu rõ hơn về con người Bác. Tôi rất mừng khi nghe nhà văn Nguyệt Tú viết một cuốn sách gồm những câu chuyện về Bác Hồ với thiếu nhi và phụ nữ. Tôi xin phép được dịch ra tiếng Anh để người nước ngoài có thể biết và hiểu hơn về Hồ Chí Minh. Tôi cũng hy vọng sách này sẽ giúp bạn bè quốc tế học tiếng Việt và các cháu Việt Nam học tiếng Anh. Như vậy tất cả chúng ta sẽ bắt tay đoàn kết xây dựng một cây cầu hữu nghị giữa những người bạn quý trọng nhau và cùng nhau xây nền hòa bình”.
Ông Dương Đại Lâm, người bảo vệ Bác Hồ kể lại câu chuyện Bác Hồ tắm cho trẻ ở Việt Bắc như sau: Khi sống ở Pắc Bó, nhìn thấy việc giữ gìn vệ sinh nước ăn và nơi ở chưa được người dân ở đây chú ý, Bác Hồ bảo những cận vệ bắt tay dọn dẹp. Sau đó, Bác bảo các cháu thiếu nhi xếp hàng đi ra chỗ khe nước, Bác tự tay cởi quần áo, lần lượt tắm rửa, kỳ cọ cho từng cháu. Bọn trẻ vừa tắm vừa vui đùa, bắn cả nước vào mặt Bác. Bác còn thoa thuốc cho các cháu bị ghẻ và ân cần động viên các cháu. Bác còn dặn dò cha mẹ các cháu lấy áo sạch thay, mang quần áo bẩn đi giặt, khâu lại những chỗ rách. Bà cố của tác giả đã gần trăm tuổi, xuýt xoa thán phục: “Ông già này là con người quý lắm đấy”, rồi bảo mang bát cháo trứng gà mời Bác nhưng Bác tỏ vẻ không hài lòng, nói: “Các đồng chí làm cách mạng, tôi cũng làm cách mạng, tại sao tôi lại được đặc biệt hơn các đồng chí?”. Rồi người bưng bát cháo mời lại bà cụ và nói: “Đây mới là người cần được đặc biệt bồi dưỡng. Bà đã sống gần trăm tuổi rồi, khổ cực nhiều cần ăn cho khỏe để sống đến ngày nước nhà độc lập vui hưởng thái bình”.
Qua câu chuyện, ta hiểu được phong cách giản dị của Bác, sự quan tâm, yêu thương, gần gũi của Bác đối với trẻ em, người già, đồng thời vững một niềm tin giành lại độc lập, tự do cho nước nhà. Câu chuyện Bác Hồ đi chúc Tết, khiến cho độc giả không hỏi bồi hồi xúc động về sự quan tâm, gần gũi của Bác đối với nhân dân, đặc biệt là đối với chị em phụ nữ. Tết năm 1962, Bác đi thăm một số gia đình công nhân, trí thức. Sau đó Bác đến thăm gia đình chị Tín, một gia đình nghèo ở phố Hàng Chĩnh. Chồng chị Tín đã mất, một mình chị phải chăm lo cho 4 đứa con, lao động quanh năm vẫn không đủ sống. Đến đêm 30 Tết chị vẫn còn phải đi gánh nước thuê để có tiền đong gạo, nuôi con. Trời giá lạnh, lại có mưa phùn, chị đang gánh nước thì Bác đến, quá xúc động chị đã buông đôi thùng nước, ôm chầm lấy Bác, nước mắt chực trào. Khi biết năm mẹ con chỉ có một lon gạo để ăn Tết, Bác rất xúc động. Bác cho gọi các đồng chí lãnh đạo thành phố đến phê bình và chỉ đạo cho lãnh đạo thành phố giải quyết việc làm và trợ cấp khó khăn cho chị.
Còn rất nhiều câu chuyện hay về tình cảm và sự quan tâm sâu sắc của Bác Hồ đối với chị em phụ nữ và các cháu thiếu nhi được thể hiện qua quyển sách song ngữ Việt - Anh. Đọc qua từng câu chuyện, độc giả sẽ càng thêm kính trọng, yêu quý Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta, Người đã dành trọn cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, vì nước, vì dân. Thân mời quý bạn đọc đến tìm đọc quyển sách “Bác Hồ với phụ nữ và thiếu nhi” tại Thư viện nhà trường.
Buổi giới thiệu sách của cô đến đây là hết, xin kính chúc các thầy cô một tuần làm việc thật hiệu quả, chúc các em học sinh chăm ngoan, học giỏi.